Nếu để lòng mình lắng xuống, chịu khiêm nhu thuận phục tìm kiếm sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh, chúng ta sẽ thấy có sự tương đồng kỳ lạ giữa người Pha-ra-si thời Tân Ước với chúng ta ngày nay.

Trong ba năm thi hành thánh chức trên đất, mối quan hệ giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ra-si thường không mấy thuận lợi. Họ rình rập để bắt bẻ Ngài trong từng câu chữ, xét nét từng hành động của Ngài và các môn đồ hòng tìm ra điểm sơ hở để kết án Ngài.

Trong giao tiếp, dù luôn dịu dàng, ôn tồn, và nhẫn nại với mọi người, ngay cả với những người bị xem là thuộc thành phần bất hảo trong xã hội, có lúc Chúa Giê-xu đã dùng những lời lẽ nặng nề quở trách người Pha-ra-si.

Phúc âm Ma–thi-ơ  chương  23 ghi lại sự  kiện này với điểm nhấn là câu nói của Chúa Giê-xu, “Khốn thay cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ra-si, là kẻ giả hình!”, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Còn Sứ đồ Giăng ký thuật trong Phúc âm mang tên ông cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-xu với họ, khi ấy Ngài khẳng định, “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sinh ra;” (Giăng 8: 44).

Cũng dễ hiểu khi những người tự nhận mình là tín đồ tôn giáo mang tên Chúa Cơ Đốc tỏ ra không mấy thiện cảm với người Pha-ra-si. Trong vòng chúng ta, có lẽ không có sự xúc phạm nào nặng nề  hơn là khi bị gán cho từ  “Pha-ra-si!”

"Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si!"

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si!”

Mọi người đều biết hình ảnh và tính cách của người Pha-ra-si được ghi lại trong Kinh Thánh như là  tấm gương xấu mà tránh xa. Xem ra điều này đã có tác dụng tích cực, nhận được sự đồng thuận cao, và ai ai cũng muốn chia sẻ với Chúa Giê-xu cảm giác ghê tởm đối với người Pha-ra-si.

Song, thông điệp của Chúa Giê-xu không dừng lại ở đó, Ngài còn muốn chúng ta nhìn xem người Pha-ra-si để tự xét mình. Ngài miêu tả thái độ của người Pha-ra-si đối với tổ phụ họ như thế này, “Các ngươi xây mồ mả của đấng tiên tri, tô điểm mồ mả của người công bình, và nói rằng: Nếu chúng ta ở cùng thời với tổ phụ, thì không hùa theo họ mà làm đổ máu các tiên tri.”

Người Pha-ra-si thường công khai bày tỏ sự bất bình đối với hành vi này của tổ phụ, những người đã bắt bớ và giết các tiên tri được Chúa sai đến quở trách tội lỗi của họ.

Điều đó giúp tạo dựng hình ảnh của người Pha-ra-si  như là những người yêu mến Chúa, hết lòng tuân giữ mạng lịnh Chúa, và tôn trọng tôi tớ Ngài. Vẫn chưa đủ, để khẳng định lập trường của mình bằng hành động thiết thực, họ cố  công gắng sức xây dựng và tôn tạo lăng mộ các tiên tri.

Song, Chúa Giê-xu dùng chính điều này để phơi bày những suy nghĩ thật ẩn giấu tại nơi sâu kín nhất trong đáy lòng họ, “Ấy đó, các ngươi tự làm chứng cho mình rằng thật là con cháu những người giết các tiên tri.” Lu-ca 11: 48 giải thích rõ hơn lời cáo buộc của ngài, “Như  vậy, các ngươi làm chứng và ưng thuận việc tổ phụ mình đã làm; vì họ đã giết các đấng tiên tri, còn các ngươi lại xây mồ cho.”

Đây là  sự thật đau lòng:  họ căm ghét các tiên tri, khinh dể Lời Chúa, và hoàn toàn đồng tình với tổ phụ mình.

Khi xây đắp và tô điểm mồ mả của các tiên tri và người công chính, họ hoàn tất những dở dang mà tổ phụ họ để lại. Thật vậy, điều họ làm vượt quá những gì tổ phụ họ đã làm, họ đã giết đấng tiên tri lớn hơn tất cả tiên tri, Ngài là Con Thiên Chúa. Họ đã “làm đầy dẫy cái lường của tổ phụ họ”.

Nếu để lòng mình lắng xuống, chịu khiêm nhu thuận phục tìm kiếm sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh, chúng ta sẽ thấy có sự tương đồng kỳ lạ giữa người Pha-ra-si thời Tân Ước với chúng ta ngày nay.

Cũng là sự bất bình ấy, sự ghê tởm ấy; cũng là nỗ lực ấy hết sức tránh xa những gì mang hơi hướm Pha-ra-si; cũng là những lời lẽ tôn kính, khâm phục dành cho các tôi tớ Chúa là những người đã lấy huyết của mình đóng dấu cho lời chứng. Song, có phải khi hành động như thế, chúng ta đang “làm cho đầy dẫy cái lường” của người Pha-ra-si?

Chúa nghe những lời chúng ta nói, Chúa thấy những điều chúng ta làm, và Ngài biết những gì chúng ta đang cố che giấu trong lòng.