Một trong những thách thức lớn nhất đối với tín hữu Cơ Đốc là làm sao kiểm soát được những khát khao của mình hầu duy trì sự cân bằng thích đáng giữa những lựa chọn đầu tư cho đời này và sống cho đời sau.


Năm ngoái, tôi đã đi qua mười thành phố ở Anh để quảng bá cho một quyển sách mới vừa xuất bản. Tôi đem theo cuốn Nhật ký của John Wesley để đọc mỗi sáng, nhà truyền bá phúc âm không hề mệt mỏi này đã viết nhật ký mỗi ngày. Có những buổi sáng tôi đọc các ghi chép của ông liên quan đến Bristol hay Dudley, những thành phố tôi sẽ đến thăm vào buổi chiều.

Khác biết bao giữa những gì tôi thấy và những gì tôi đọc trong  nhật ký của Wesley!

Bristol

Trong khi tôi di chuyển trên chiếc xe hơi tiện nghi và diễn thuyết trước những cử tọa thân thiện, thì John Wesley dong ruỗi trên lưng ngựa trong mưa dầm tuyết lạnh, rao giảng phúc âm bốn hoặc năm lần mỗi ngày cho những đám đông khổng lồ tụ tập trên những cánh đồng trống, và thường khi đối mặt với những kẻ chống đối giận dữ tiếp đón ông bằng những lời lăng mạ và gạch đá.

Đọc xong quyển nhật ký, tôi ngưỡng mộ thể chất dẻo dai, nếp sống thanh bạch, và tấm lòng tận hiến của Wesley dành cho các nhóm tín hữu đang phát triển trên khắp nước Anh. Mặt khác, tôi cũng nhận ra rằng Wesley không hề quan tâm đến sự lộng lẫy của thiên nhiên, cùng những nét đẹp văn hóa có thể tìm thấy khắp mọi nơi trên đảo quốc này.

Ngắm nhìn vườn hoa xinh đẹp, Wesley tự hỏi, “Có điều gì vui thích lâu dài cho bằng tình yêu của Thiên Chúa và sự hiểu biết về Ngài?” Khi đi ngang qua những lâu đài cổ kính của nước Anh, ông nhận xét, “Chúng tồn tại được bao lâu? Vâng, quả đất này rồi sẽ bị phó cho lửa!” Sau khi bày tỏ sự kinh ngạc về tài năng của một nghệ sĩ phong cầm khiếm thị, ông tiếp, “Có ích gì chăng khi anh ấy sống không có Chúa trên thế gian này?”

Ngay cả Viện Bảo tàng Anh cũng không đem đến cho Wesley ấn tượng nào. Sau khi nhận xét về các bộ sưu tập, ông viết, “Nhưng người ta sẽ tâu trình thế nào với đấng phán xét người sống và kẻ chết về việc họ dành trọn cả đời mình chỉ để sưu tầm những đồ vật này?”

Một trong những thách thức lớn nhất đối với tín hữu Cơ Đốc là làm sao kiểm soát được những khát khao của mình hầu duy trì sự cân bằng thích đáng giữa những lựa chọn đầu tư cho đời này và sống cho đời sau. Làm thế nào để có thể sống vui thú trên thế gian,  thưởng thức các loại hình nghệ thuật, vẻ đẹp, âm nhạc, và tình yêu, mà vẫn có thể giúp đỡ người nghèo, và tích lũy của cải trên trời?

Tôi không có ý phê phán John Wesley. Thể hiện sự dấn thân triệt để – điều kiện cần thiết hầu có thể thay đổi thế giới – ông đã đi gần nửa triệu cây số trên những con đường gập ghềnh, giảng khoảng 40.000 lần, và khởi phát các cuộc phục hưng bùng cháy kéo dài hàng thế kỷ tại châu Âu và Mỹ. Wesley đã thực hành chính xác giáo huấn của Chúa Giê-xu, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất,” rồi buồn bã nhận ra rằng, theo nhận định của ông, cứ 500 người sinh sống trong một “thành phố Cơ Đốc” thì chỉ có một người chịu noi gương ông mà tránh xa những phù phiếm đời này.

Đã có lần Wesley cảnh báo về mối nguy của sự giàu có: “Tôi e rằng, khi của cải càng thêm nhiều, tinh túy của đạo giáo càng suy giảm. Do đó, nếu xét theo bản chất, các cuộc phục hưng tôn giáo khó có thể kéo dài. Bởi vì niềm tin khiến con người trở nên cần mẫn và tiết kiệm, mà đó là những nhân tố tạo ra của cải. Song, nhiều của cải thì lắm kiêu căng, dễ giận dữ, và càng mê đắm thế gian.”

trích Traveling with Wesley của Philip Yancey, tạp chí Christianity Today, 20/11/2007