Biết bao triều đại, biết bao nền văn minh đã trỗi dậy rồi suy tàn. Lịch sử chứng minh rằng không có gì tạo dựng bởi bàn tay loài người có thể trường tồn. Chúng ta cần có một điều gì lớn hơn lịch sử, một điều gì vượt quá lịch sử.

Trường ca Messiah không kết thúc với tuyệt khúc “Hallelujah!” rộn ràng và kỳ vỹ. Đấng Messiah giáng lâm trong vinh hiển (Phần I); Đấng Messiah chết và phục sinh (Phần II). Thế nhưng, tại sao thế gian vẫn triền miên trong đau thương và băng hoại? Chúng ta sẽ tìm thấy câu giải đáp trong Phần III.

Cần có một hình ảnh khác của Đấng Messiah vượt quá Bết-lê-hem và Đồi Sọ: Ngài là Đấng Tể trị. Sự kiện Ngài hóa thân thành người không phải là sự kết thúc lịch sử, nhưng chỉ là sự khởi đầu của sự cáo chung. Có nhiều điều phải làm trước khi công cuộc sáng tạo được phục hồi đúng như ý định ban đầu của Thiên Chúa.

Phần III mở đầu cách ấn tượng với lời của Gióp, dù chịu nhiều tai ương, thảm họa ông vẫn kiên định trong đức tin. “Tôi biết Đấng Cứu chuộc tôi vẫn sống. Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất,” ngân vang giọng nữ cao. Dù cuộc sống là một thảm kịch, và khó tìm thấy chút chứng cứ nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa tể trị, Gióp vẫn cố tin; Handel ngụ ý rằng, chúng ta cũng nên có đức tin như  thế.

Rồi đến lời của Phao-lô giải thích sự chết của Chúa Cơ Đốc. Trước tiên là sự chết đến thế gian bởi sự bất tuân (“Bởi một người mà có sự chết…”), nhưng ngay sau đó là lời tiên báo tràn đầy hi vọng về sự sống lại sau cùng (“Kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sẽ sống lại.”)

Vậy đó, thảm kịch của Thứ Sáu Thương khó trở thành sự đắc thắng hiển vinh trong Chúa nhật Phục sinh. Rồi sẽ có một ngày không còn chiến tranh, bạo lực, bất công, đau buồn. Chỉ đến khi ấy chúng ta mới cất tiếng hỏi, “Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi đâu rồi? Hỡi mồ mả, ngươi còn đắc thắng nữa không?”

Qua giọng nữ cao, lời thách thức ấy trở thành niềm xác tín được khẳng quyết với những lời chép trong sách Rô-ma: “Nếu Thiên Chúa vùa giúp chúng ta, còn ai nghịch với chúng ta?” Nếu chúng ta tin, thật lòng tin rằng cuối cùng kẻ thù sẽ bị hủy diệt, thì chẳng còn gì để mà sợ hãi. Sự chết rồi sẽ không còn.

Charles Jennens

Ca từ của Jennens kết thúc với những trích dẫn từ chương 4 và 5 của sách Khải Huyền, có lẽ đây là những hình ảnh sinh động nhất trong quyển sách thánh vốn đầy dẫy những hình ảnh.

Hai mươi bốn trưởng lão uy nghi cùng bốn con sinh vật biểu trưng cho quyền lực, sự  khôn ngoan và  sự kỳ vĩ – tinh hoa của toàn thể công cuộc sáng tạo. Các sinh vật và những trưởng lão quỳ phục tôn thờ Đấng ngự trên ngôi.

Một thiên sứ cất tiếng hỏi có ai xứng đáng tháo ấn để mở cuốn sách của lịch sử. Chẳng có ai trong số các sinh vật và những trưởng lão ấy xứng đáng để tháo ấn. Tác giả sách Khải Huyền hiểu được ý nghĩa của thời khắc trọng đại này nên đã bật khóc trong tuyệt vọng, “Vì không ai xứng đáng mở cuốn sách hoặc đọc nó, nên tôi khóc dầm dề.”

“Tôi thấy có một Chiên Con ở đó như đã bị giết.” Một chiên con! Ôi, một chiên con yếu đuối, lại là chiên con đã bị giết! Song, Giăng trong Khải Huyền và Handel trong Messiah đã tóm tắt toàn bộ lịch sử trong hình ảnh huyền nhiệm này. Thiên Chúa vĩ đại đã trở thành một hài nhi, một chiên con, và là vật hiến tế – chính Thiên Chúa ấy, Đấng mang lằn đòn của chúng ta và chết thay cho chúng ta, chỉ Đấng ấy là người xứng đáng.

Đó chính là thông điệp Handel muốn gởi đến  chúng ta, khi giọng hợp xướng vang lên, “Chiên Con được ngợi khen, tôn quý, vinh hiển và quyền phép,” rồi  kết bằng những tiếng A-men vút cao.

Biết bao triều đại, biết bao nền văn minh đã trỗi dậy rồi suy tàn. Lịch sử chứng minh rằng không có gì tạo dựng bởi bàn tay loài người có thể trường tồn. Chúng ta cần có một điều gì lớn hơn lịch sử, một điều gì vượt quá lịch sử.

Chúng ta cần Chiên Con bị giết từ trước buổi sáng thế.

trích Hallelujah! của Philip Yancey, Tạp chí Christianity Today, 01/12/2000

________________________________________________________________________________________________________

*  TRƯỜNG CA MESSIAH (1)

* TRƯỜNG CA MESSIAH (2)