Thường khi Ngài để chúng ta thắng, nhất là khi tâm điểm của cuộc tranh luận liên quan đến ơn thương xót của Ngài.

Tranh luận với Chúa

Năm trăm năm trôi qua trước khi xuất hiện một nhân vật mặc cả bậc thầy khác. Thiên Chúa, đấng “nhớ đến giao ước kết lập cùng Áp-ra-ham,” chọn một người có các phẩm chất toàn hảo cho một vị trí then chốt trong kế hoạch của Ngài.

Vào thời điểm ấy, Môi-se đã dành một nửa cuộc đời để học hỏi kỹ năng lãnh đạo từ đế quốc hùng cường nhất thời bấy giờ, và phần đời còn lại để thu nhận kỹ năng sinh tồn trong hoang mạc khi trốn tránh án tử hình. Còn có ai xứng đáng hơn Môi-se cho trọng trách dẫn dắt một bộ tộc gồm các nô lệ mới vừa được giải phóng vượt qua đồng vắng để tiến vào Đất Hứa?

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Thiên Chúa hiện ra với Môi-se qua một hiện tượng thiên nhiên bất thường: bụi gai cháy không hề tàn. Môi-se che mặt, sợ hãi không dám nhìn khi nghe tiếng Chúa phán: “Ta đã thấy sự cực khổ của dân ta trong xứ Ai Cập, đã nghe tiếng kêu than của chúng. Nay, ta sai ngươi đến gặp Pha-ra-ôn để dắt dân Israel ta ra khỏi xứ Ai Cập.”

Không giống Áp-ra-ham, Môi-se tranh luận với Chúa ngay từ lúc mới gặp Ngài. Ông giả vờ khiêm nhường: Tôi là ai mà dám đến gặp Pha-ra-ôn đặng dắt dân Israel ra khỏi xứ Ai Cập? Rồi khi nhận ra rằng không thể thuyết phục Chúa với luận cứ ấy, ông liền đổi hướng: Tôi không biết tên Ngài…và nếu dân Israel không tin tôi thì sao…Tôi không phải là người có tài hùng biện. Thiên Chúa vẫn nhẫn nại trả lời từng câu hỏi, và thực hiện vài dấu kỳ phép lạ để khiến Môi-se tin tưởng Ngài. Dẫu vậy, ông vẫn cố nài nỉ: Ôi, lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi, thì đi.

Đến lúc này thì sự kiên nhẫn của Chúa cũng không còn, dù tức giận Ngài vẫn đề nghị một giải pháp thỏa hiệp: cho phép A-rôn, anh ông, chia xẻ trách nhiệm với ông. Công cuộc giải phóng vĩ đại ấy chỉ được tiến hành sau một cuộc mặc cả kéo dài.

Sau này, có lần Môi-se đã đẩy chiêu thức đàm phán táo tợn ấy trở thành phép thử tối hậu khi sự nhẫn nại của Chúa dành cho bộ tộc Do Thái trở nên cạn kiệt. Sau khi chứng kiến mười tai họa tàn phá xứ sở Ai Cập, sau khi được giải thoát khỏi kiếp lao dịch nhọc nhằn, sau khi nhìn thấy đạo quân được trang bị hiện đại của pha-ra-ôn bị quét sạch dưới dòng nước cuốn, sau khi được dẫn dắt bởi trụ mây ban ngày, và trụ lửa ban đêm, sau khi Chúa làm phép lạ để cung ứng nước uống và thực phẩm cho họ – sau tất cả những điều kỳ diệu ấy, dân Israel lại tự biến thành những kẻ khiếp hèn, chán chường, hoặc trở nên bất trị, “cứng cổ”. Họ chối bỏ tất cả ân sủng của Thiên Chúa để chọn lấy hình tượng bò vàng đúc bởi tay A-rôn, người anh trai luôn kề cận Môi-se, người mà Chúa phải chấp nhận như là một giải pháp thỏa hiệp với Môi-se.

Moses

Đối với Chúa, như thế đã quá đủ, “Hãy để mặc ta diệt chúng nó, và xóa tên chúng nó khỏi dưới trời, rồi ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc mạnh và lớn hơn dân ấy.” Môi-se biết rất rõ quyền năng hủy diệt của Thiên Chúa sẵn sàng nổ ra như cơn bão lốc, bởi vì ông đã chứng kiến điều đó tại xứ Ai Cập.

‘Hãy để mặc ta,’ Chúa phán! Nhưng trong tai của Môi-se, lời ấy nghe như tiếng thở dài của người cha mệt mỏi khi nhận thấy sức chịu đựng của mình bị đẩy xuống mức tận cùng, song ở đâu đó vẫn manh mún một chút hi vọng – nói cách khác, tình thế dù tuyệt vọng nhưng vẫn mở ngỏ cho sự đàm phán.

Môi-se chụp lấy cơ hội và bắt đầu lớn tiếng tranh luận với Chúa. Sao Ngài lại nổi giận cùng dân Ngài đã dùng quyền năng lớn giải cứu khỏi Ai Cập. Xin chớ để dân Ai Cập hả hê. Xin Chúa hãy nhớ lại lời hứa của Ngài đối với Áp-ra-ham. Trong 40 ngày đêm, Môi-se phủ phục trước mặt Chúa, không ăn không uống.

Cuối cùng, Chúa nhượng bộ: “Ta sẽ sai một thiên sứ đi trước ngươi, đặng đưa các ngươi vào xứ đượm sữa và mật. Nhưng ta không cùng lên với ngươi đâu, vì các ngươi là dân cứng cổ, e ta diệt các ngươi dọc đường chăng.” Một lần nữa, Môi-se lại thắng, bởi vì Chúa đã đồng ý phù trợ dân Israel suôt phần còn lại của cuộc hành trình.

Tuy nhiên, về sau cục diện lại thay đổi, lần này Môi-se là người mất hết kiên nhẫn. Tôi há có thọ thai dân này sao? Há có sanh đẻ nó sao? Mà Ngài lại phán bảo tôi rằng: Hãy ẵm dân này trong lòng ngươi, như người cha nuôi bồng đứa trẻ bú, cho đến xứ Ngài thề hứa ban cho tổ phụ chúng nó. Chính Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót, vỗ về Môi-se, cảm thông nỗi niềm của ông, và chọn 70 trưởng lão để chia xẻ gánh nặng với ông.

Không phải lúc nào Môi-se cũng thắng khi tranh luận với Chúa. Ông không thể thuyết phục Chúa cho phép ông bước vào Đất Hứa (dù lời thỉnh cầu này được đáp ứng nhiều năm sau đó khi ông hiện ra, nói chuyện cùng Chúa Giê-xu trên Núi Hóa hình).

Song, giống Áp-ra-ham, Môi-se là một minh chứng cho thấy Thiên Chúa mời gọi chúng ta tranh luận và tranh đấu với Ngài, và thường khi Ngài để chúng ta thắng, nhất là khi tâm điểm của cuộc tranh luận liên quan đến ơn thương xót của Ngài. Thật vậy, trong tiến trình tranh luận, chúng ta có thể “tranh thủ” chính những đức hạnh của Chúa.

“Cầu nguyện không phải là cố thuyết phục một Thiên Chúa miễn cưỡng,” Tổng Giám mục Anh giáo Richard Trench viết, “nhưng là nắm chắc thiện ý nồng thắm nhất của Ngài.”

trích Prayer: Does It Make Any Difference? của Philip Yancey

________________________________________________________________________________________________________

VẬT LỘN VỚI THIÊN CHÚA (1)